Tông thư PATRIS CORDE (Với Tấm Lòng Người Cha)
của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Nhân dịp Kỷ niệm 150 năm công bố
Thánh Giu-se là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ
VỚI TẤM LÒNG NGƯỜI CHA: Thánh Giu-se đã yêu mến Đức Giê-su, Đấng mà cả bốn sách Tin Mừng đều gọi là “con ông Giu-se” [1].
Hai Thánh sử Mát-thêu và Lu-ca trình bày về thánh Giu-se, dù cho chúng ta biết rất ít về ngài, nhưng cũng đủ để ta ngưỡng mộ ngài là người cha thế nào, và sứ mệnh được Chúa quan phòng giao phó cho ngài ra sao.
Chúng ta biết rằng thánh Giu-se là người thợ mộc tầm thường (x. Mt 13, 55), đã đính hôn với Đức Ma-ri-a (x. Mt 1, 18; Lc 1, 27). Ngài là “người công chính” (Mt 1, 19), luôn sẵn sàng thi hành thánh ý Chúa như đã mạc khải cho ngài trong Lề Luật (x. Lc 2, 22.27.39) và qua bốn giấc mộng (x. Mt 1, 20; 2, 13.19.22). Sau chuyến hành trình dài mỏi mệt từ làng Na-za-rét đến vùng Bê-lem, ngài được nhìn thấy Đấng Cứu Thế sinh ra trong hang đá bò lừa, vì “không còn chỗ cho họ” nữa (x. Lc 2, 7). Ngài đã chứng kiến các mục đồng cung kính bái thờ (x. Lc 2, 8-20) và những nhà Đạo sĩ (x. Mt 2, 1-12), họ lần lượt tượng trưng cho dân tộc Is-ra-el cũng như dân ngoại khắp nơi.
Thánh Giu-se đã can đảm trở thành người cha hợp pháp của Đức Giê-su, Đấng mà ngài đặt tên như lời sứ thần truyền: “Ông hãy đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21). Chúng ta được biết, đối với các dân tộc cổ xưa, khi đặt tên cho một người hoặc vật gì như A-đam đã làm trong trình thuật Sách Sáng thế (x. 2, 19-20) là lúc thiết lập mối liên hệ.
Trong Đền thờ, bốn mươi ngày sau khi Đức Giê-su chào đời, Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đã dâng con mình cho Thiên Chúa, cũng như kinh ngạc lắng nghe lời tiên tri của cụ Si-mê-on về Đức Giê-su cùng Mẹ Người (x. Lc 2, 22-35). Để bảo vệ Đức Giê-su khỏi tay vua Hê-rô-đê, Thánh Giu-se đã trú ngụ tại Ai Cập như một khách ngoại kiều (x. Mt 2, 13-18). Sau khi trở về quê hương, ngài sống ẩn dật trong ngôi làng Na-za-rét nhỏ bé và ít người biết đến ở miền Ga-li-lê-a, cách xa Bê-lem, nguyên quán tổ tiên ngài, cũng như cách thành Giê-ru-sa-lem và Đền thờ. Về Na-za-rét, người ta nói: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ đây cả” (x. Ga 7, 52) và quả thật, “từ Na-za-rét, làm sao có cái gì hay được?” (x. Ga 1, 46). Trong cuộc hành hương lên Giê-ru-sa-lem, Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đã lạc mất con trẻ mười hai tuổi Giê-su, các ngài bồn chồn đi tìm và gặp Người trong Đền thờ, đang ngồi tranh luận với những nhà thông Luật (x. Lc 2, 41 -50).
Sau Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, không một vị thánh nào được nhắc đến thường xuyên trong huấn quyền Giáo hoàng ngoài Thánh Cả Giu-se, bạn trăm năm Đức Mẹ. Các vị Tiền nhiệm của tôi đã suy gẫm về thông điệp được chứa đựng trong tín liệu hạn chế mà những sách Tin Mừng truyền lại, nhằm đánh giá đầy đủ hơn vai trò trung tâm của ngài trong lịch sử cứu độ. Chân phước Giáo hoàng Pi-ô IX đã công bố ngài là “Thánh Bổn mạng của Giáo hội Công giáo” [2], Bậc Đáng kính Giáo hoàng Pi-ô XII đề xuất ngài là “Quan thầy người lao động” [3] và Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn vinh ngài là “Đấng bảo vệ Chúa Cứu thế” [4]. Thánh Giu-se được mọi người cầu khấn như “đấng bảo trợ cho ơn chết lành” [5].
Một trăm năm mươi năm sau khi Chân phước Giáo hoàng Pi-ô IX tuyên bố Thánh Cả Giu-se là Bổn mạng Giáo hội Công giáo (ngày 8 tháng 12 năm 1870), nay tôi muốn chia sẻ một vài suy gẫm cá nhân về nhân vật phi thường này, ngài rất đỗi gần gũi với cảm nghiệm con người chúng ta. Như Đức Giê-su đã nói, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12, 34). Tôi ước muốn gia tăng chia sẻ trong giai đoạn đại dịch, giữa lúc cuộc khủng hoảng này, chúng ta cảm nhận thế nào về “cuộc sống của mình được đan xen và duy trì nhờ những người thật bình dị, những người thường không được chú ý tới. Họ chẳng xuất hiện trên các tiêu đề báo chí và tạp chí, hoặc trên chương trình truyền hình mới nhất, nhưng trong những ngày này chắc chắn họ đang định hình các sự kiện quyết định của lịch sử chúng ta. Họ là bác sĩ, y tá, thủ kho và nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, điều dưỡng viên, công nhân vận chuyển, hết thảy đàn ông và phụ nữ đang ra sức làm việc để cung cấp những dịch vụ thiết yếu và an toàn công cộng, các thiện nguyện viên, linh mục, tu sĩ nam nữ, cũng như rất nhiều người khác. Họ hiểu rằng chẳng ai được cứu một mình cả…Biết bao nhiêu người hằng ngày sống kiên nhẫn và mang lại hy vọng, quan tâm loan truyền trách nhiệm chung, chứ không gieo rắc nỗi sợ hãi. Biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ, ông bà và thầy cô đang chỉ bảo con cái chúng ta qua những cách thức nhỏ bé mỗi ngày biết chấp nhận và đối phó với cuộc khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, hướng nhìn về phía trước, cũng như khuyến khích thực hành đời sống cầu nguyện. Biết bao nhiêu người đang nguyện cầu, hy sinh và khẩn nài thay cho thiện ích của mọi người” [6]. Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá nơi Thánh Giu-se – người chẳng ai lưu tâm, nhưng hiện diện dung dị thường ngày, ẩn dật và kín kẽ – là đấng bầu cử, nâng đỡ và dìu dắt ta khi gặp chông gai. Thánh nhân nhắc nhở chúng ta rằng những người dường như bí ẩn hoặc sống trong bóng tối có thể giữ một vai trò vô song trong lịch sử cứu độ. Với họ hết thảy, ta phải có lời công nhận và tri ân.
1. Người cha kính yêu
Thánh Giu-se vĩ đại khôn sánh vì ngài là bạn trăm năm Đức Ma-ri-a và là cha của Đức Giê-su. Qua cách này, theo lời Thánh Gio-an Kim Khẩu, ngài đặt bản thân mình vào vai trò “phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu rỗi” [7].
Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã lột tả vai trò làm cha của Thánh Giu-se được thể hiện cụ thể “bằng việc ngài biến cuộc sống mình trở thành sự hy sinh phục vụ cho mầu nhiệm nhập thể và mục đích ơn cứu chuộc. Ngài sử dụng thẩm quyền hợp pháp của mình đối với gia đình Thánh Gia để hoàn toàn dâng hiến cho mọi thành viên trong cuộc sống và công việc của ngài. Ngài biến ơn gọi làm người dành cho bác ái gia đình thành của lễ tự hiến siêu phàm, dâng cả tâm hồn và mọi khả năng bản thân, kể cả tình mến nhằm phục vụ Đấng Cứu Thế đang lớn dần trong mái ấm của ngài” [8].
Nhờ vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, Thánh Giu-se luôn được mọi người Ki-tô hữu tôn kính như một người cha. Điều này biểu lộ qua vô số thánh đường trên toàn thế giới được cung hiến cho ngài, nhiều Học viện tôn giáo, hội dòng và các hội đoàn giáo xứ lấy cảm hứng từ linh đạo của ngài, mang tên ngài, và hàng loạt biểu hiện truyền thống về lòng đạo đức để tôn vinh ngài. Vô số nam nữ tốt lành thánh thiện đã hết lòng sùng kính ngài. Trong đó Thánh Tê-rê-sa A-vi-la là người đã chọn ngài làm đấng bênh vực và bầu cử của mình, thánh nữ thường xuyên chạy đến với ngài và nhận được bất cứ ơn thánh nào mà cầu xin nơi ngài. Nhờ cảm nghiệm bản thân khích lệ, Thánh Tê-rê-sa ra sức thuyết phục người khác nuôi dưỡng lòng tôn kính Thánh Cả Giu-se [9].
Sách kinh nào cũng có những kinh nguyện cầu khấn Thánh Giu-se. Lời kinh cầu đặc biệt dâng lên ngài vào thứ Tư mỗi tuần và nhất là trong suốt tháng Ba, theo truyền thống được dành riêng tôn kính ngài [10].
Lòng tín thác bình dân vào Thánh Giu-se được nhìn thấy qua thành ngữ “Hãy đến với Giu-se”, gợi ta nhớ đến nạn đói ở Ai Cập, trong lúc người dân van xin Pha-ra-ô cho họ bánh ăn, thì ông đáp: “Cứ đến với Giu-se; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo” (St 41, 55). Pha-ra-ô ám chỉ Giu-se, con trai của Gia-cóp, người bị bán làm nô lệ do lòng ghen tị của anh em ông (x. St 37, 11-28) và theo lời tường thuật trong Kinh thánh – Giu-se là người sau đó trở thành phó vương Ai Cập (x. St 41, 41-44).
Thuộc dòng dõi vua Đa-vít (x. Mt 1, 16-20), từ cội rễ này mà Đức Giê-su được trổ sinh theo lời hứa của tiên tri Na-than ngỏ cùng vua Đa-vít (x. 2Sm 7), ngoài ra, là bạn trăm năm Đức Ma-ri-a làng Na-za-rét, Thánh Giu-se đứng ở ngay giao lộ Cựu ước và Tân ước.
2. Người cha trìu mến yêu thương
Thánh Giu-se chứng kiến Đức Giê-su lớn lên từng ngày “càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52). Như Thiên Chúa đã thực hiện bao kỳ công với nhà Is-ra-el thế nào, thì Thánh Giu-se cũng làm như vậy với Đức Giê-su: dạy Người tập đi, đỡ cánh tay Người; cư xử như một người cha nâng đứa con thơ áp lên má, cúi xuống gần mà đút cho con ăn (x. Hs 11, 3-4).
Nơi Thánh Giu-se, Đức Giê-su cảm nhận tình yêu trìu mến của Thiên Chúa: “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính sợ Người” (Tv 103, 13).
Trong hội đường, lúc cầu nguyện bằng Thánh vịnh, chắc hẳn Thánh Giu-se đã nghe đi nghe lại nhiều lần rằng Thiên Chúa của Is-ra-el là vị Thiên Chúa của tình yêu trìu mến [11], là Đấng tốt lành với hết mọi người, Đấng “tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145, 9).
Lịch sử cứu độ được thực hiện “trong niềm cậy trông mặc dầu không còn gì để trông cậy” (Rm 4, 18), và qua các yếu đuối của ta. Hết thảy chúng ta thường nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ dùng những phần ưu tú hơn của ta để thực hiện kỳ công, nhưng hầu hết các kế hoạch của Người đều được thi hành bất luận tính yếu đuối mỏng dòn của chúng ta. Vì vậy, Thánh Phaolô đã thốt lên: “để tôi khỏi tự cao tự đại, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’”(2Cr 12, 7-9).
Vì đây là một phần của toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi, chúng ta phải học cách nhìn vào những yếu đuối của mình với lòng thương xót trìu mến [12].
Kẻ xấu khiến chúng ta trông thấy và lên án tính mong manh của ta, trong khi Thần Khí đưa nó tới ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng. Lòng trìu mến là cách tối ưu hầu chạm vào sự yếu đuối nội tâm. Chỉ tay và phán xét tha nhân thường là dấu hiệu của tính bất khả chấp nhận nhược điểm, tình trạng yếu đuối của chúng ta. Chỉ có tình yêu trìu mến mới cứu ta khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12, 10). Đây là lý do tại sao hết sức quan trọng khi được gặp gỡ lòng thương xót Chúa, đặc biệt trong Bí tích Hòa giải, nơi chúng ta cảm nghiệm chân lý và sự trìu mến của Người. Nhưng nghịch lý thay, kẻ xấu xa cũng có thể nói sự thật cho ta, nhưng hắn làm vậy chỉ để lên án chúng ta mà thôi. Chúng ta đều biết chân lý của Chúa không lên án, nhưng thay vào đó ân cần chào đón, che chở, gìn giữ và tha thứ chúng ta. Chính sự thật này luôn tự hiện diện trước chúng ta như người cha nhân hậu trong dụ ngôn của Đức Giê-su (x. Lc 15, 11-32). Nó bước ra gặp gỡ chúng ta, phục hồi phẩm giá chúng ta, đặt chúng ta trở lại trụ vững trên đôi chân mình và hân hoan vì chúng ta, bởi lẽ như người cha nói: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy ”(câu 24).
Kể cả qua nỗi sợ hãi của Thánh Giu-se, thì thánh ý Chúa, lịch sử và kế hoạch của Người vẫn được thực hiện. Do đó, Thánh Giu-se dạy chúng ta đức tin nơi Thiên Chúa bao gồm lòng tín thác vào Người có thể hoạt động qua cả nỗi hoảng sợ, sự yếu đuối và các nhược điểm của chúng ta. Ngài cũng dạy rằng giữa những giông tố cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ e ngại để Chúa dẫn đường ta đi. Đôi lúc chúng ta muốn hoàn toàn tự chủ, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh lớn hơn.
3. Người cha vâng phục
Như Thiên Chúa đã mạc khải cho Đức Ma-ri-a, Người cũng mạc khải chương trình cứu rỗi của Người cho Thánh Giu-se. Người dùng những giấc mơ để thực thi thánh ý, điều mà trong Kinh thánh và giữa mọi dân nước thời xa xưa, vốn được xem như cách thức Người tỏ lộ ý định của mình [13].
Thánh Giu-se vô cùng bối rối trước sự kiện Đức Mẹ mang thai cách bí nhiệm. Ngài không muốn “tố giác hòng bà khỏi bị mọi người khinh chê” [14], nên mới quyết định “bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19).
Ở giấc mộng đầu tiên, một thiên thần giúp ngài giải quyết tình thế lưỡng nan gây cấn: “đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21). Ngay lập tức, Thánh Giu-se đáp lời thực hiện: “khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 24). Sự vâng phục giúp ngài có khả năng vượt qua những khó khăn của bản thân và cứu được Đức Ma-ri-a.
Trong giấc mộng thứ hai, thiên thần nói với Thánh Giu-se: “hãy trỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” (Mt 2, 13). Thánh Giu-se đã không ngần ngại vâng lời, bất luận gian nan nguy khó: “Ngài liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà” (Mt 2, 14-15).
Tại Ai Cập, Thánh Giu-se kiên nhẫn chờ đợi thiên thần báo tin là ngài có thể an toàn trở về quê hương. Trong giấc mộng thứ ba, thiên thần truyền rằng những kẻ tìm cách giết con trẻ đã chết và ra lệnh cho ngài trỗi dậy, đem con trẻ và mẹ Người trở về đất Is-ra-el (x. Mt 2, 19-20). Lại một lần nữa, Thánh Giu-se đã mau mắn vâng lời. “Ngài trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Is-ra-el” (Mt 2, 21).
Trên đường trở về, “khi nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê-a, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng – lần thứ tư – ông lui về miền Ga-li-lê-a, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-za-rét” (Mt 2, 22-23).
Về phần mình, thánh sử Lu-ca kể cho chúng ta biết rằng Thánh Giu-se đã trải qua cuộc hành trình dài, đầy gian nan từ làng Na-za-rét đến vùng Bê-lem để được kê khai tên tuổi tại quê quán mình trong cuộc kiểm tra dân số của Hoàng đế Xê-da Âu-gus-tô. Ở đó, Đức Giê-su đã chào đời (x. Lc 2, 7) và giống như mọi đứa trẻ khác, giấy khai sinh của Người được ghi vào sổ đăng ký của Đế chế Rô-ma. Thánh Lu-ca đặc biệt quan tâm khi tường thuật cha mẹ của Đức Giê-su đã tuân giữ tất cả các quy định của Lề luật: nghi lễ cắt bì cho con trẻ Giê-su, nghi thức thanh tẩy cho Mẹ Ma-ri-a sau khi sinh, nghi lễ dâng hiến con đầu lòng cho Thiên Chúa (x. Lc 2 21-24) [15].
Trong mọi hoàn cảnh, Thánh Giu-se bộc lộ “lời xin vâng” của ngài, như Mẹ Ma-ri-a đáp lời sứ thần Truyền tin và Đức Giê-su trong Vườn Giệt-si-ma-ni.
Với vai trò gia trưởng, Thánh Giu-se đã dạy Đức Giê-su biết vâng phục cha mẹ (x. Lc 2, 51), sống theo giới răn của Thiên Chúa (x. Xh 20, 12).
Những năm tháng ẩn dật tại Na-za-rét, Đức Giê-su theo học trường Giu-se, ngõ hầu thực hiện thánh ý của Chúa Cha. Thánh ý này chính là lương thực hằng ngày của Người (x. Ga 4, 34). Ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, tại Vườn Giệt-si-ma-ni, Đức Giê-su vẫn chọn làm theo thánh ý của Chúa Cha hơn là ước muốn của Người [16], trở nên “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8). Vì thế, tác giả Thư gửi cho tín hữu Do Thái kết luận rằng Đức Giê-su “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8).
Tất cả những điều này minh định rõ ràng “Thánh Giu-se đã được Thiên Chúa kêu mời phục vụ con người và sứ mệnh của Đức Giê-su cách trực tiếp qua việc thực thi thiên chức làm cha của ngài”, và bằng cách này, “vào thời viên mãn, ngài đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu rỗi lớn lao, cũng như thực sự là một thừa tác viên của ơn cứu độ” [17].
4. Người cha biết chấp nhận
Thánh Giu-se đã chấp nhận Đức Ma-ri-a một cách vô điều kiện. Ngài tin vào lời sứ thần truyền. “Tấm lòng cao thượng của Thánh Giu-se lớn lao đến nỗi những gì ngài học biết từ lề luật, ngài đều biến chúng phụ thuộc vào đức bác ái. Ngày nay, trong thế giới của chúng ta, bạo hành tâm lý, ngôn ngữ và thể xác đối với phụ nữ quá ư rõ ràng, Thánh Giu-se xuất hiện như hình tượng của một người đàn ông đáng kính và nhạy cảm. Mặc dù không hiểu bức tranh bao quát hơn, nhưng ngài quyết định bảo vệ danh tiếng, phẩm giá và cuộc sống của Đức Ma-ri-a. Trong lúc do dự chẳng biết nên hành động thế nào cho tốt nhất, thì Thiên Chúa đã soi chiếu, giúp ngài đưa ra phán đoán của mình” [18].
Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta không hiểu ý nghĩa của những điều đang xảy ra. Cho nên, phản ứng đầu tiên của ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giu-se gạt bỏ ý tưởng cá nhân để chấp nhận diễn tiến của các biến cố, và dù chúng dường như bí nhiệm chăng nữa, ngài vẫn nắm trọn, chịu trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của mình. Nếu không hòa giải được với lịch sử bản thân, chúng ta sẽ chẳng thể nào tiến tới dù chỉ một bước đơn lẻ, vì chúng ta luôn vẫn là con tin cho những kỳ vọng và nỗi chán ngán kế tiếp.
Con đường thiêng liêng mà Thánh Giu-se vạch ra cho chúng ta chẳng phải con đường biện giải, nhưng là biết chấp nhận. Chỉ nhờ thái độ chấp nhận và sự hòa giải này, mà chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thoáng qua một lịch sử rộng lớn hơn, với ý nghĩa sâu sắc hơn. Chúng ta gần như nghe thấy tiếng vọng lại từ câu đáp đầy mãnh liệt của ông Gióp nói với vợ mình, người đã hối thúc ông chống lại điều ác mà ông đang chịu đựng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2, 10).
Chắc chắn Thánh Giu-se không thụ động phó mặc, nhưng can đảm chủ động từ bỏ dứt khoát. Trong cuộc sống chúng ta, sự chấp nhận và niềm nở đón nhận có thể diễn tả ơn sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Chỉ một mình Thiên Chúa mới trao ban cho chúng ta nghị lực cần thiết để chấp nhận cuộc sống như chính nó, với tất cả những mâu thuẫn, tâm trạng vỡ mộng và thất vọng của nó.
Sự xuất hiện của Đức Giê-su ở giữa chúng ta là hồng ân của Chúa Cha, giúp mỗi người chúng ta có thể hòa giải với toàn bộ lịch sử của chính mình, ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu được nó.
Thiên Chúa nói với Thánh Giu-se: “Này Con vua Đa-vít, đừng sợ!” (Mt 1, 20) thế nào, xem ra Người cũng nói với chúng ta như vậy: “Đừng sợ!” Chúng ta cần gạt qua một bên mọi tức giận và thất vọng, mà đón nhận cách thức sự việc diễn ra, ngay cả khi chúng không như chúng ta mong muốn. Chẳng phải với tâm thế cam chịu đơn thuần, nhưng tràn trề hy vọng và can đảm. Bằng cách này, chúng ta trở nên cởi mở đón nhận ý nghĩa sâu sắc hơn. Cuộc sống chúng ta có thể được tái sinh cách diệu kỳ, nếu tìm thấy dũng khí để sống phù hợp với Tin Mừng. Chẳng quan trọng lắm nếu dường như mọi thứ đã sai hoặc một số điều không còn sửa chữa được nữa. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể khiến hoa trái trổ sinh từ sỏi đá mà. Ngay cả khi lòng chúng ta cáo tội chúng ta, “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (1Ga 3, 20).
Ở đây, một lần nữa, chúng ta bắt gặp chủ nghĩa hiện thực Ki-tô giáo, mà nó không bác bỏ bất cứ điều gì hiện hữu cả. Trong sự phức tạp bí nhiệm và tính bất khả giản lược, thực tại chứa đựng ý nghĩa hiện sinh, với mọi điểm sáng tối che khuất của nó. Do đó, Thánh Tông đồ Phao-lô đã có thể quả quyết: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người” (Rm 8, 28). Thánh Âu-gus-ti-nô nói thêm, “thậm chí cả điều được cho là ác dữ (etiam illud quod malum dicitur)” [19]. Trong viễn cảnh lớn hơn này, đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố, bất luận hạnh phúc hay sầu buồn.
Chúng ta cũng đừng bao giờ nghĩ rằng tin nghĩa là tìm được các giải pháp dễ dàng và phấn chấn. Đức tin mà Đức Ki-tô dạy chúng ta là những gì chúng ta thấy nơi Thánh Giu-se. Ngài không tìm kiếm con đường tắt, nhưng đối diện thực tế với đôi mắt rộng mở và dám chấp nhận trách nhiệm bản thân.
Thái độ của Thánh Giu-se khuyến khích chúng ta chấp nhận và niềm nở tiếp đón tha nhân như chính con người họ, không ngoại lệ, cũng như bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với ai yếu hèn, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu đuối (x. 1Cr 1, 27). Ngài là “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng bênh đỡ quả phụ” (Tv 68, 6), ngài truyền cho chúng ta yêu thương người xa lạ ở giữa chúng ta [20]. Tôi thích nghĩ rằng chính từ Thánh Giu-se, mà Đức Giê-su đã lấy nguồn cảm hứng cho dụ ngôn đứa con hoang đàng và người cha nhân hậu (x. Lc 15, 11-32).
5. Người cha can đảm đầy sáng kiến
Nếu giai đoạn đầu của mọi chữa lành nội tâm thực sự là chấp nhận lịch sử bản thân, cũng như nắm lấy ngay cả những điều trong cuộc sống mà chúng ta không lựa chọn, thì giờ đây, chúng ta phải thêm một yếu tố quan trọng khác: đó là lòng can đảm đầy sáng tạo. Đặc biệt, điều này xuất hiện trong cách chúng ta đối phó với các khó khăn. Khi đối mặt nguy nan, có thể chúng ta bỏ cuộc và bỏ mặc, hoặc dấn thân vào bằng nào cách đấy. Nhưng đôi lúc, gian truân mang lại nguồn lực mà thậm chí chúng ta chẳng nghĩ mình có.
Khi đọc các trình thuật thời thơ ấu, có lẽ chúng ta thường thắc mắc tại sao Thiên Chúa không hành động một cách trực tiếp và rõ rệt hơn, mà Người lại thực hiện qua những biến cố và con người. Thánh Giu-se là người được Thiên Chúa tuyển chọn để hướng dẫn buổi đầu của lịch sử cứu độ. Ngài chính là “dấu lạ” đích thật, mà nhờ đó Thiên Chúa cứu thoát Hài nhi và mẹ Người. Thiên Chúa đã hành động bằng cách tin tưởng vào lòng can đảm đầy sáng tạo của Thánh Giu-se. Khi đến Bê-lem, không tìm thấy nhà trọ nào để Đức Ma-ri-a sinh hạ Hài nhi, thánh nhân đã tận dụng hang bò lừa hết mức có thể, biến nó thành mái ấm cho Con Thiên Chúa nhập thế (x. Lc 2, 6-7). Trước nguy cơ sắp xảy ra do Hê-rô-đê, kẻ muốn giết Hài nhi, một lần nữa trong giấc mộng, Thánh Giu-se đã được cảnh báo phải bảo vệ Hài nhi, và nửa đêm ngài thức dậy chuẩn bị trốn sang Ai Cập (x. Mt 2, 13-14).
Đọc qua loa những câu chuyện này có lẽ cho ta cảm tưởng: thế giới bị đặt dưới sự thương hại của kẻ mạnh đầy quyền lực, nhưng “tin mừng” của Phúc Âm hệ tại vào việc chứng tỏ rằng, đối với mọi cao ngạo và tính hung dữ của thế lực trần gian, Thiên Chúa luôn tìm cách thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Người. Cũng vậy, đôi khi đời sống chúng ta dường như bị đặt trong sự thương hại của kẻ quyền hành, nhưng Tin mừng cho ta thấy điều gì mới thật đáng kể dường bao. Thiên Chúa hằng tìm cách cứu chuộc chúng ta, miễn là chúng ta biểu lộ lòng can đảm đầy sáng tạo như bác thợ mộc Na-za-rét, người đã biến vấn đề thành một khả thể, nhờ luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đôi lúc xem ra Thiên Chúa chẳng trợ giúp chúng ta, thì điều này chắc chắn không có nghĩa là chúng ta bị bỏ rơi, nhưng đúng hơn, chúng ta đang được tin tưởng để lập nên kế hoạch, đưa ra sáng kiến và tự tìm kiếm các giải pháp.
Lòng can đảm đầy sáng tạo đó đã được bạn hữu của người bại liệt minh chứng, họ hạ anh ta từ trên mái nhà xuống để đưa anh đến với Đức Giê-su (x. Lc 5, 17-26). Khó khăn gian nan không thể cản trở tính táo bạo và kiên trì của nhóm bạn ấy. Họ xác tín rằng Đức Giê-su có thể chữa lành người bại liệt, và “vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: ‘Này anh, anh đã được tha tội rồi’” (câu 19-20). Đức Giê-su nhận ra đức tin đầy sáng tạo này, mà qua đây họ đã tìm cách đưa bạn hữu đau yếu đến với Người.
Tin Mừng không thuật lại cho chúng ta biết Đức Ma-ri-a, Thánh Giu-se và Hài nhi trú ngụ tại Ai Cập bao lâu; nhưng chắc chắn các ngài cần lương thực, nhà ở và công ăn việc làm. Không cần quá nhiều trí tưởng tượng mới nghĩ ra được các chi tiết này. Gia đình Thánh Gia đã phải đối diện với các vấn đề cụ thể như mọi gia đình khác, tương tự nhiều anh chị em di dân chúng ta ngày nay cũng phải liều mạng sống, hầu thoát khỏi bất hạnh và đói khát. Về vấn đề này, tôi cân nhắc Thánh Giu-se như đấng bảo trợ đặc biệt cho tất cả những ai buộc phải rời bỏ quê hương do chiến tranh, hận thù, bách hại và nghèo đói.
Cuối mỗi trình thuật đề cập đến vai trò của Thánh Giu-se, Tin Mừng đều cho chúng ta biết rằng ngài trỗi dậy, đưa Hài nhi và mẹ Người, cũng như thực hiện những gì Thiên Chúa truyền (x. Mt 1, 24; 2, 14.21). Thật vậy, Đức Giê-su và Ma-ri-a, Mẹ Người, chính là kho tàng quý giá nhất của đức tin chúng ta [21].
Trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, Ngôi Hai không thể tách rời khỏi Mẹ của Người, khỏi Đức Ma-ri-a, đấng đã “vượt trội trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành kiên trì kết hiệp với người Con cho đến khi ngài đứng dưới chân thập tự” [22].
Chúng ta nên luôn xem xét liệu bản thân chúng ta đang bảo vệ Đức Giê-su và Mẹ Ma-ri-a hay chăng, vì các ngài cũng được giao phó trách nhiệm, chăm sóc và giữ gìn chúng ta an toàn một cách huyền nhiệm. Con Đấng Toàn Năng bước vào thế giới chúng ta trong tình trạng rất dễ bị tổn thương. Người cần được Thánh Giu-se che chở, bảo vệ, chăm sóc và nuôi nấng. Thiên Chúa đã tin tưởng Thánh Cả, giống như Đức Ma-ri-a, Mẹ đã tìm thấy nơi thánh nhân một con người không chỉ cứu mạng sống ngài, mà còn luôn lo toan chu cấp cho ngài và con trẻ. Theo nghĩa này, chắc hẳn Thánh Giu-se không thể nào khác hơn là Đấng Bảo vệ Giáo hội, vì chưng Giáo hội là sự tiếp nối của Thân thể Chúa Kitô trong lịch sử, ngay cả khi tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a được phản ảnh nơi tình mẫu tử của Giáo hội [23]. Trong vai trò duy trì bảo vệ Giáo hội, Thánh Giu-se tiếp tục giữ gìn Hài nhi và mẹ Người, còn chúng ta cũng vậy, bằng tình yêu dành cho Giáo hội, chúng ta vẫn yêu mến Hài nhi và mẹ Người.
Hài nhi ấy sẽ tiếp tục khẳng định: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của gia đình Ta đây, thì các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Do đó, hết thảy người nghèo, túng thiếu, đau khổ hoặc đang hấp hối, mọi người xa lạ, tù tội, bệnh nhân đều là “hài nhi” mà Thánh Giu-se duy trì bảo vệ. Vì thế, Thánh Cả Giu-se được cầu khẩn như Đấng che chở người bất hạnh, túng thiếu, lưu đày, ưu phiền, nghèo khổ và hấp hối. Do vậy, Giáo hội không thể nào không biểu lộ tình yêu thương đặc biệt dành cho những anh chị em bé mọn nhất của chúng ta, vì chưng Đức Giê-su đã hết lòng quan tâm cụ thể tới họ và còn đích thân đồng nhất với họ. Nơi Thánh Giu-se, chúng ta phải học cách chăm sóc và tinh thần trách nhiệm tương tự. Chúng ta cũng học mến yêu Hài nhi và mẹ Người, yêu chuộng các bí tích và đức bác ái, yêu mến Giáo hội và người nghèo. Mỗi thực tại này luôn là Hài nhi và mẹ Người.
6. Người cha cần lao
Một khía cạnh nơi Thánh Giu-se đã được nhấn mạnh từ thời Thông điệp xã hội đầu tiên, tức Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII, đề cập đến mối liên hệ của ngài với công việc lao động. Thánh Giu-se là một thợ mộc kiếm sống lương thiện để cung ứng cho gia đình. Đức Giê-su học được nơi thánh nhân các giá trị, phẩm giá và niềm vui của ý nghĩa lãnh nhận lương thực như là thành quả lao động của chính mình.
Trong thời đại chúng ta, một lần nữa khi công ăn việc làm trở thành vấn đề xã hội nóng bỏng, và tỷ lệ thất nghiệp đôi lúc lên đến mức kỷ lục ngay cả tại các quốc gia vốn thụ hưởng mức độ thịnh vượng nào đó hàng chục năm qua, cần phải đánh giá mới mẻ về tầm quan trọng của công việc xứng đáng, việc làm mà Thánh Giu-se vốn là quan thầy mẫu mực.
Công ăn việc làm là một phương tiện giúp thông dự vào công trình cứu độ, một cơ hội Nước Trời nhanh chóng ngự trị, ngõ hầu phát triển tài năng và khả năng của chúng ta, hơn nữa, để chúng phục vụ xã hội và tình hiệp thông huynh đệ. Nó trở thành cơ hội thành toàn không chỉ của bản thân ta, mà còn của gia đình vốn là tế bào xã hội căn bản. Đặc biệt, gia đình sẽ dễ gặp khó khăn, căng thẳng, bất hoà và thậm chí tan vỡ, nếu chẳng có công ăn việc làm. Nhưng làm sao chúng ta có thể nói tới nhân phẩm mà không tạo ra việc làm để đảm bảo cho mọi người kiếm sống tử tế?
Người lao động, bất kể công việc của họ là gì, đều đang cộng tác với chính Thiên Chúa, và trong cách nào đó, họ trở thành những người kiến tạo thế giới xung quanh chúng ta. Cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta vốn mang tính kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm linh, có thể đóng vai trò kêu gọi mọi người chúng ta tái khám phá giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc làm, nhằm mang lại trạng thái “bình thường” mới mẻ mà không loại trừ ai. Công việc của Thánh Giu-se nhắc nhở chúng ta rằng khi mặc lấy xác phàm, chính Thiên Chúa không hề khinh thường lao động. Tình trạng mất công ăn việc làm ảnh hưởng đến rất nhiều anh chị em chúng ta, cũng như đã gia tăng do hậu quả của đại dịch Covid-19, nên được xem như một lời hiệu triệu duyệt xét lại các ưu tiên của chúng ta. Nào hãy cùng nhau khẩn cầu Thánh Giu-se Thợ giúp chúng ta tìm cách diễn tả niềm tin chắc chắn rằng không một bạn trẻ nào, không một người nào, không một gia đình nào không có công ăn việc làm!
7. Người cha sống ẩn dật thầm lặng
Nhà văn Ba Lan Jan Dobraczyński, trong tác phẩm The Shadow of Father (tạm dịch: Bóng Người Cha) [24], kể về chuyện đời Thánh Giu-se dưới dạng một tiểu thuyết. Ông sử dụng hình ảnh chiếc bóng đầy gợi hình để mô tả thánh nhân. Trong mối tương quan với Đức Giê-su, Thánh Giu-se là hình bóng trần gian của Chúa Cha trên trời: ngài trông nom và bảo vệ Người, chẳng bao giờ rời theo bước chân Người. Chúng ta có thể nghĩ đến những lời của Mô-sê nói với dân Is-ra-el: “Trong sa mạc…nơi anh em thấy Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mang anh em như một người mang con mình, suốt con đường anh em đã đi” (Đnl 1, 31). Tương tự, Thánh Giu-se cũng hành động như một người cha trong suốt quảng đời của ngài [25].
Chúng ta không được sinh ra làm cha, nhưng trở thành người cha. Một người đàn ông trở nên người cha không đơn giản chỉ vì cho đứa trẻ ra đời trong thế gian này, nhưng bởi nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc con trẻ đấy. Bất cứ khi nào một người đàn ông chấp nhận trách nhiệm đối với cuộc sống của ai khác, thì cách nào đó, họ đã trở thành cha của người ấy.
Ngày nay, xem ra trẻ em thường bị mồ côi, thiếu cha. Giáo hội cũng cần những người cha. Lời Thánh Phao-lô nói với các tín hữu Cô-rin-tô vẫn còn hợp thời: “Cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu” (1 Cr 4, 15). Cùng với Thánh Tông đồ, mỗi linh mục hay giám mục nên thêm rằng: “Trong Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Tin Mừng, tôi đã sinh ra anh chị em” (nt). Tương tự như vậy, Thánh Phao-lô gọi các tín hữu Ga-lát-ta: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em!” (Gl 4, 19).
Vai trò làm cha đòi hỏi phải dẫn đưa con cái vào đời sống và thực tại. Chẳng phải kìm kẹp chúng, bảo bọc quá mức hay chiếm hữu, mà giúp chúng có được khả năng tự quyết định, tận hưởng tự do và khám phá nhiều khả hữu mới. Có lẽ vì lý do này, Thánh Giu-se được gọi là một người cha “khiết tịnh nhất” theo truyền thống. Tước hiệu này không chỉ đơn giản là dấu chỉ cảm xúc, mà còn là tổng thể của thái độ đối lập với tính chiếm hữu. Đức khiết tịnh chính là tự do thoát khỏi tính chiếm hữu trong mọi lĩnh vực đời sống ta. Chỉ khi khiết tịnh, tình yêu mới thật sự chân chính. Nói cho cùng, tình yêu chiếm hữu sẽ trở nên nguy hiểm: nó giam hãm, siết chặt, và khiến người ta khốn khổ đớn đau. Chính Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại bằng một tình yêu trung trinh; Người để chúng ta tự do, thậm chí đi lạc và chống lại Người. Luận lý học của tình yêu luôn là luận lý học của tự do, và Thánh Giu-se biết yêu mến một cách tự do phi thường. Chẳng bao giờ ngài biến mình thành trung tâm của mọi sự. Ngài không nghĩ về bản thân, mà thay vào đó, ngài chú tâm đến đời sống của Mẹ Ma-ri-a và Đức Giê-su.
Thánh Giu-se tìm thấy hạnh phúc không đơn thuần ở sự hy sinh bản thân mà hệ tại nơi tâm hồn tự hiến. Nơi ngài, chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy nỗi thất vọng, mà toàn niềm tin tưởng phó dâng. Sự trầm lặng nhẫn nại của ngài là khúc dạo đầu cho những biểu hiện tín thác cụ thể. Thế giới chúng ta ngày nay cần ông bố, người cha, không cần các bạo chúa, những kẻ thống trị người khác như một phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân họ. Thế giới bác bỏ những ai lẫn lộn thẩm quyền với chủ nghĩa độc đoán, phục vụ với nô dịch, thảo luận với áp chế, bác ái với não trạng phúc lợi, sức mạnh với hủy diệt. Mỗi ơn gọi đích thật đều phát sinh từ tâm tình tự hiến, vốn là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Tương tự, thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi dạng thức trưởng thành này. Bất kể ơn gọi của chúng ta là gì, dù kết hôn, độc thân hay khiết trinh, việc tự hiến sẽ chẳng trọn vẹn, nếu chỉ dừng lại ở lòng hy sinh; nhưng giả như đúng như thế, thì việc tự hiến sẽ có nguy cơ trở thành biểu thức của nỗi bất hạnh, buồn bã và thất vọng, thay vì trở nên dấu chỉ tươi thắm và hân hoan của tình yêu.
Khi những người cha từ chối bước vào đời sống của con cái họ vì chúng, thì viễn cảnh mới mẻ và bất ngờ sẽ mở ra. Mỗi trẻ thơ đều mang trong mình một huyền nhiệm độc nhất vô nhị, mà chỉ có thể đưa nó ra ánh sáng với trợ giúp của người cha biết tôn trọng tự do của con trẻ ấy. Một ông bố biết nhận ra mình là người cha và nhà giáo dục, hơn cả ngay thời điểm bản thân trở nên “vô dụng”, lúc ông thấy con mình đã tự lập và có thể bước trên đường đời mà không cần người kèm cặp. Khi ông trở nên giống như Thánh Giu-se, người luôn biết rõ con trẻ chẳng phải con riêng ngài, mà đơn thuần chỉ được trao phó cho ngài chăm sóc thôi. Sau cùng, đây là điều Đức Giê-su muốn chúng ta hiểu khi Người nói: “Đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23, 9).
Chúng ta nên luôn ghi nhớ rằng mỗi lần thực thi thiên chức làm cha thì chẳng liên quan gì đến việc chiếm hữu, nhưng đúng hơn là “dấu chỉ” hướng tới tình phụ tử cao quý hơn. Hết thảy chúng ta giống như Thánh Giu-se cách nào đó: hình bóng của Chúa Cha trên trời, Đấng “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5, 45). Và là một chiếc bóng dõi theo Con ngài.
***
Thiên Chúa truyền cho Thánh Giu-se: “Hãy trỗi dậy, đem Hài nhi và mẹ Người đi” (Mt 2, 13).
Mục đích của Tông thư này chủ yếu gia tăng lòng mến của chúng ta đối với vị thánh vĩ đại này, ngõ hầu khuyến khích chúng ta khấn xin ngài cầu bầu, noi theo các nhân đức và lòng nhiệt thành của ngài.
Thật vậy, sứ mệnh riêng của chư thánh không những nhận lãnh phép lạ và ân sủng, mà còn chuyển cầu cho chúng ta trước thiên nhan Chúa, như tổ phụ Áp-ra-ham [26] và Mô-sê [27], hơn nữa, tương tự như Đức Giê-su, “Đấng trung gian duy nhất” (1Tm 2, 5), “Đấng Bảo trợ” cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (1 Ga 2, 1) và là người “hằng sống để chuyển cầu cho [chúng ta]” (Dt 7, 25; x. Rm 8, 34).
Các thánh trợ giúp mọi tín hữu “phấn đấu nên thánh và đạt đến mức hoàn hảo nơi bậc sống đặc thù của họ” [28]. Đời sống họ là bằng chứng cụ thể minh định khả năng thực hành sứ điệp Tin Mừng.
Đức Giê-su gọi mời chúng ta: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Cuộc đời các thánh cũng là những tấm gương đáng được noi theo. Thánh Phao-lô khẳng khái nói: “Hãy bắt chước tôi!” (1Cr 4, 16) [29]. Bằng sự im lặng hùng hồn của ngài, Thánh Giu-se cũng quả quyết như vậy.
Trước gương sống của rất nhiều nam nữ thánh thiện, Thánh Âu-gus-ti-nô đã tự hỏi: “Điều họ có thể làm, bạn lại chẳng thực hiện được sao?” Và rồi, ngài tiến gần hơn tới việc hoán cải dứt khoát của bản thân, khi ngài có thể thốt lên: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi Vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát!” [30]
Chúng ta chỉ cần khẩn nài xin Thánh Giu-se ban ơn của mọi ơn phước: đó là chúng ta được hoán cải.
Giờ đây, chúng ta cùng nguyện cầu với ngài:
Kính chào vị bảo trợ Đấng Cứu Độ,
Bạn đời trăm năm Trinh nữ Ma-ri-a.
Thiên Chúa trao phó Con Một cho ngài;
Mẹ Ma-ri-a hết lòng tin tưởng nơi ngài;
Đức Ki-tô mặc lấy xác phàm với ngài.
Lạy Thánh Cả Giu-se diễm phúc,
xin tỏ cho chúng con thấy ngài là một người cha,
và hướng dẫn chúng con tiến bước trên nẻo đường đời.
Xin nhận cho chúng con ơn thánh, lòng lân tuất và can đảm,
mà hằng chở che chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.
Ban hành tại Rô-ma, Vương cung Thánh đường Thánh Gio-an La-tê-ra-nô, vào ngày 8 tháng 12, Lễ trọng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, năm 2020, năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.
Phan-xi-cô
Chuyển ngữ: Lm. Xuân Hy Vọng
CHÚ THÍCH:
[1] Lc 4, 22; Ga 6, 42; x. Mt 13, 55; Mc 6, 3.
[2] BỘ PHỤNG TỰ THÁNH, Sắc lệnh Quemadmodum Deus (8/12/1870): ASS 6 (1870-71), 194.
[3] x. Diễn văn trước Hiệp hội Công nhân Ki-tô giáo Ý vào dịp Lễ kính trọng thể Thánh Giu-se Thợ (1/5/1955): AAS 47 (1955), 406.
[4] x. Tông huấn Redemptoris Custos (15/8/1989): AAS 82 (1990), 5-34.
[5] Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1014.
[6] Bài suy niệm trong Thời Đại dịch (27/3/ 2020): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 29/3/2020, tr. 10.
[7] In Matthaeum Homiliae (tạm dịch: Bài giảng Tin mừng theo Thánh Mát-thêu), V, 3: PG 57, 58.
[8] Bài giảng (19/3/1966): Insegnamenti di Paolo VI [tạm dịch: Giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI], IV (1966), 110.
[9] x. Autobiography [tạm dịch: Hồi ký], 6, 6-8.
[10] Hơn 40 năm ròng rã, cứ sau Kinh sáng mỗi ngày, tôi lại đọc kinh cầu Thánh Giu-se trong cuốn sách kinh tiếng Pháp thuộc thế kỷ XIX của các Sơ dòng Giê-su Ma-ri-a. Lời kinh lột tả lòng tôn kính và niềm tín thác, thậm chí dâng lên cho Thánh Cả Giu-se gian nan thử thách nào đó: “Glorious Patriarch Saint Joseph, whose power makes the impossible possible, come to my aid in these times of anguish and difficulty. Take under your protection the serious and troubling situations that I commend to you, that they may have a happy outcome. My beloved father, all my trust is in you. Let it not be said that I invoked you in vain, and since you can do everything with Jesus and Mary, show me that your goodness is as great as your power. Amen.” [tạm dịch: “Lạy Thánh Giu-se Tổ phụ vinh quang, quyền năng Ngài biến những gì không thể thành có thể, xin đến trợ giúp con trong lúc hiểm nghèo nguy khốn. Con xin phó dâng cho Ngài mọi hoàn cảnh buồn phiền xao xuyến, ngõ hầu dưới sự chở che phù trì của Ngài, mà chúng được trở nên tốt đẹp hơn. Lạy cha dấu ái của lòng con, con tin tưởng trọn vẹn nơi Ngài. Xin đừng để lời con van nài kêu xin vô vọng, vì chưng Ngài luôn luôn thực hiện mọi điều với Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, xin tỏ cho con nghiệm thấy lòng nhân hậu vô song như thể quyền năng lớn lao của Ngài. Amen.”]
[11] x. Đnl 4, 31; Tv 69, 16; 78, 38; 86, 5; 111, 4; 116, 5; Gr 31, 20.
[12] x. Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 88, 288: AAS 105 (2013), 1057, 1136-1137.
[13] x. St 20, 3; 28, 12; 31, 11.24; 40, 8; 41, 1-32; Ds 12, 6; 1Sm 3, 3-10; Đn 2, 4; G 33, 15.
[14] Trong những trường hợp ấy, các quy định được đưa ra ngay cả việc ném đá (x. Đnl 22, 20-21).
[15] x. Lv 12, 1-8; Xh 13, 2.
[16] x. Mt 26, 39; Mc 14, 36; Lc 22, 42.
[17] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Redemptoris Custos (15/8/1989), 8: AAS 82 (1990), 14.
[18] Bài giảng lễ và Nghi thức Phong Chân phước, Villavicencio, Cô-lôm-bi-a (8/9/2017): AAS 109 (2017), 1061.
[19] Enchiridion de fide, spe et caritate [tạm dịch: Cẩm nang Nhân đức Tin-cậy-mến], 3.11: PL40, 236.
[20] x. Đnl 10, 19; Xh 22, 20-22; Lc 10, 29-37.
[21] x. Bộ Phụng Tự Thánh, Quemadmodum Deus (8/12/1870): ASS 6 (1870-1871), 193; Chân phước Giáo hoàng Pi-ô IX, Tông thư Inclytum Patriarcham (7/7/1871): l.c., 324-327.
[22] Công Đồng Va-ti-can II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 58.
[23] Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, 963-970.
[24] Nguyên tác: Cień Ojca [tạm dịch: Bóng Người Cha], Warsaw, 1977.
[25] x. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Redemptoris Custos, 7-8: AAS 82 (1990), 12-16.
[26] x. St 18, 23-32.
[27] x. Xh 17, 8-13; 32, 30-35.
[28] Công Đồng Va-ti-can II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 42.
[29] x. 1 Cr11, 1; Pl 3, 17; 1 Tx1, 6.
[30] Tự thuật, VIII, 11, 27: PL 32, 761; X, 27, 38: PL 32, 795.